Trong khi dạy con, không ít bố mẹ phát cáu vì bé hư hay có hành động trái ý. Những lúc như thế này bố mẹ nào cũng muốn tìm cách giảm cơn nóng giận với con để bình tĩnh giáo dục trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều ấy vì nó thật sự rất rất khó. Trong bài viết này chúng tôi sẽ gợi ý 2 cách hiệu quả giúp bạn giảm cơn nóng giận với con ngay lập tức, cùng tham khảo nhé.
Vì Sao Bố Mẹ Phải Giảm Cơn Nóng Giận Với Con?
Trước tiên, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của hành động kìm nén cơn giận mỗi khi xảy ra mâu thuẫn với con. Có thể đó là mâu thuẫn nhỏ như bé không chịu ăn rau, bé không dọn đồ chơi, bé vô lễ với người lớn cho đến mâu thuẫn to hơn như bất đồng quan điểm về ứng xử. Hay có thể là bé cho rằng bố mẹ bảo thủ, lạc hậu không hiểu thế hệ trẻ. Hoặc các tình huống cãi bố mẹ để quen chàng A, cô B dù người lớn nhìn vào đều cho rằng cuộc tình này là không nên theo đuổi. Tất cả những trường hợp đó chắc chắn sẽ xảy ra với tất các bậc phụ huynh và khiến chúng ta cáu giận. Có một vài người chọn cách quát mắng, một số lại dùng bạo lực để răn đe. Nhưng theo các chuyên gia giáo dục trẻ, bạn cần kìm nén lại cơn tức giận. Vì sao lại như vậy?
Bạn hãy đặt bản thân vào trường hợp bố mẹ của bạn (tức là ông bà ngoại, ông bà nội của bé) la mắng hay đánh khi bạn ngỗ ngược. Vậy thì cảm xúc của bạn ngay thời điểm ấy là gì? Và suy nghĩ của bạn sau khi sự việc đó xảy như thế nào? Chúng tôi cá rằng rất ít ai trong số các bạn đọc ở đây thấu hiểu cho tình thương của bố mẹ. Đa số chúng ta sẽ tức giận trong khi bị đánh, bị mắng. Rồi về sau chúng ta nhớ lại sẽ phát triển thành hai lối suy nghĩ. Nếu là cách nghĩ tích cực thì bạn sẽ biết ơn đòn roi năm ấy đã giúp mình thành người. Nếu là cách nghĩ tiêu cực bạn sẽ trách cứ, thậm chí sẽ lặp lại hành vi đó lên người thân của mình. Dù là hướng đi nào chăng nữa thì cách dạy con bằng lời quát tháo, đánh đòn không bao giờ là cách dạy tốt nhất.

Khi bạn giảm cơn nóng giận với con, bạn sẽ đủ tỉnh táo để suy nghĩ cách nói chuyện và hành xử với con. Bố mẹ điềm tĩnh trong mọi tình huống còn là tấm gương để con học hỏi tính cách ôn hoà, kiên nhẫn và kỹ năng giải quyết vấn đề một cách văn minh. Mặt khác, khi các thành viên trong gia đình không phải chạm mặt nhau trong các cuộc cãi vã mà ngồi xuống nói chuyện thì tình cảm sẽ không bị rạn nứt. Có một sự thật là khi bạn càng xung đột với một người thì khoảng cách giữa hai bạn sẽ bị đẩy xa nhau hơn. Dù đó là người thân máu mủ thì khi tranh cãi tình cảm gia đình cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, bố mẹ nên hạn chế tối thiểu các cuộc cãi vã với con. Hãy áp dụng một trong hai cách giảm cơn nóng giận dưới đây để giữ hoà khí gia đình nhé.
Hít Thở Sâu Và Đếm Từ 1 Đến 10
Chúng tôi xin đưa ra các ví dụ để bạn hình dung cụ thể. Giả sử con đang xem tivi và hiện tại đã đến giờ đi ngủ. Bạn nhắc bé nhiều lần để con tự tắt tivi nhưng bé vùng vằng không chịu. Khi bạn lấy điều khiển tivi trên bàn thì bé hét toáng lên giật điều khiển chẳng hạn. Lúc này cơn giận của bạn chắc chắn đã có dấu hiệu bùng phát rồi đúng không nào. Nếu bạn kiên trì lặp lại yêu cầu mà con vẫn không nghe và còn hét to hơn thì bạn sẽ làm gì? Giật lấy điều khiển, tắt tivi và đánh con sao. Không nên nhé, bạn hãy hít thật sâu và đếm 1 đến 5 để giảm cơn giận. Ở nhịp thở thứ 6 – 7, bạn hãy ngồi xuống và trò chuyện về nội dung phim cùng với bé. Ở nhịp thở thứ 8 -9 -10, bạn hãy thỏa thuận thời gian bé được xem tiếp. Bạn cũng có thể đánh lạc hướng bé bằng vị kem đánh răng mới, gấu ôm ngủ yêu thích hoặc cho con chọn đồ ngủ của mình. Đừng quên ở lần con xem tivi sau nên quy định giờ cụ thể trước khi giao điều khiển cho bé nhé. Nếu bộ mẹ nào có tính khá nóng một chút thì hãy đếm đến 20, 30 cho đến khi cơn giận lắng xuống.

Một ví dụ khác cho các bé lứa tuổi cấp 1 – cấp 2. Đây là độ tuổi thích làm theo ý mình. Do đó bạn hãy giảm cơn nóng giận với con bằng cách tìm hiểu cách nghĩ của bé về vấn đề đó. Đừng áp đặt suy nghĩ và cách hành xử của bản thân lên con. Nếu bé thấy bạn A lấy cắp đồ của bạn B là đúng vì trước đó bạn B đã lấy trộm đồ của A. Thay vì la trẻ có suy nghĩ không đúng đắn thì bạn hãy hít sâu, đếm lần lượt từ 1 đến 10 kết hợp hỏi nhẹ nhàng: Chuyện đó xảy ra lúc nào thế con? Bạn A đã lấy gì của bạn B? Trước đó bạn B lấy gì của bạn A? Cô giáo và các bạn trong lớp có biết chuyện này không? Làm sao con biết được chuyện ấy? Tại sao con nghĩ bạn A làm đúng? Sau khi sự việc xảy ra thì bạn A và bạn B có lấy lại được đồ của mình không, mối quan hệ hai bạn ra sao? Nếu một người khác trộm đồ của con và con lấy lại một thứ từ họ thì con suy nghĩ thế nào? Bạn hãy đóng vai là người bạn thân của bé để cùng con tâm sự, phân tích câu chuyện. Đừng quát mắng suy nghĩ của con trẻ sẽ làm chúng sợ và ngại chia sẻ cùng bạn trong tương lai.
Đối với các bé cấp 3 và đại học sẽ có những vấn đề lớn hơn. Ở độ tuổi này bố mẹ càng phải kìm nén cơn giận vì con đã có nhận thức đầy đủ và sẽ có lí lẽ của riêng mình để “cãi” bạn đấy. Bố mẹ cần hiểu bé cãi là để bảo vệ quan điểm của mình, không có ý bất hiếu hay hỗn láo (trừ các trường hợp bé dùng ngôn từ và hành động xấc láo). Như vậy thì ngoài khả năng giảm cơn nóng, bạn cần trang bị một kiến thức và kinh nghiệm tâm lý lứa tuổi, tâm lý học đường để sẵn sàng trò chuyện cùng con. Đừng quên nguyên tắc hít thở sâu, đếm từ 1 đến 10 nhé.
Rời Đi Nơi Khác
Phương pháp này sẽ áp dụng khi bạn quá tức giận và không còn tâm trí đâu mà hít thở và đếm số. Cách tốt nhất là bạn tránh gặp mặt con ở thời điểm ấy và tìm lại sự bình tĩnh mới quay lại nói chuyện với con. Tuy nhiên cần chú ý thao tác thông báo với bé trước khi bạn rời đi. Ví dụ con đang mè nheo hoặc nói liến thoắng không ngừng, bạn sẽ nói: Bây giờ bố/mẹ đang cảm thấy khó chịu, nên con đợi bố/mẹ một chút để bố/mẹ bình tĩnh lại sẽ quay lại cùng con giải quyết vấn đề. Lúc này bạn có thể đi. Tuyệt đối không dứt áo ra đi đột ngột, vì bé sẽ hiểu lầm bạn đang không quan tâm cảm xúc suy nghĩ của bé. Trầm trọng hơn là bé sẽ sao chép cách ứng xử này khi là người lớn. Hãy nói với trẻ trước khi rời đi nhé.

Trong trường hợp bạn đã đi ra chỗ khác mà cơn giận vẫn còn bừng bừng. Hãy viết toàn bộ các chi tiết trong tình huống ra giấy hoặc trong đầu để phân tích. Những lúc cảm xúc càng dâng trào chúng ta càng phải thật lý trí. Khi bạn đã biết được nguyên nhân, diễn biến thì bạn sẽ tìm được cách giải quyết thỏa đáng. Khi bạn quay lại thì bé cũng bình tĩnh hơn và cả nhà có thể cùng nhau nói về vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn.
Lời Kết
Trên đây là hai cách giảm cơn nóng giận với con hiệu quả mà nhiều bậc phụ huynh áp dụng thành công. Chúng tôi chúc bạn thành công và gia đình luôn hòa thuận nhé. Đừng quên chia sẻ bài viết đề thảo luận với các bậc phụ huynh khác.